Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Những thuốc tân dược nào có tác dụng phụ gây tăng huyết áp

Mỗi loại thuốc được sản xuất đều có tác dụng điều trị một hoặc một số bệnh cụ thể. Tuy nhiên hầu hết thuốc tân dược đều có những tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể mua bán thuốc tây xin liệt kê một số thuốc kê toa và không kê toa có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn đang bị tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng các thuốc này.

Một số thuốc giảm đau và chống viêm có thể làm giữ nước, tạo ra các rối loạn về thận gây tăng huyết áp như: thuốc kháng viêm không steroid (indomethacin, ibuprofen, piroxicam...). Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên khi sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm này. Nếu bạn đang bị bệnh về huyết áp cần hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau nào là tốt nhất và phù hợp cho bạn. Nếu phải dùng thuốc giảm đau làm tăng huyết áp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống hoặc dùng thêm thuốc để kiểm soát huyết áp.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc trầm cảm tác động làm thay đổi phản ứng của cơ thể với chất trung gian trong não, bao gồm serotonin, norepinephrine và dopamine, có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Những chất này cũng có thể làm huyết áp tăng lên. Các thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng huyết áp bao gồm: venlafaxine, các chất ức chế monoamine oxidase, thuốc chống trầm cảm ba vòng, fluoxetine. Nếu đang dùng thuốc chống trầm cảm, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp của bạn tăng hoặc không được kiểm soát tốt, hãy hỏi bác sĩ về lựa chọn thay thế cho các loại thuốc này hoặc thay đổi lối sống hoặc các thuốc khác để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
Thuốc ngừa thai chứa nội tiết tố
Thuốc ngừa thai và các thiết bị ngừa thai có chứa nội tiết tố có thể làm tăng huyết áp do tác dụng co thắt các mạch máu nhỏ. Nguy cơ tăng huyết áp khi dùng thuốc ngừa thai cao hơn ở phụ nữ lớn hơn 35 tuổi, thừa cân hoặc hút thuốc lá. Không phải tất cả phụ nữ sẽ tăng huyết áp từ việc sử dụng thuốc ngừa thai nội tiết tố, nhưng nếu bạn đang lo lắng, nên kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi 6 đến 12 tháng. Nếu bạn đang mắc bệnh tăng huyết áp, xem xét sử dụng một hình thức ngừa thai khác thay thế.
Thuốc thông mũi
Các thuốc thông mũi như: pseudoephedrine, phenylephrine có tác dụng làm co các mạch máu dẫn đến tăng huyết áp. Thuốc thông mũi cũng có thể làm cho một số loại thuốc huyết áp giảm hiệu quả tác dụng. Kiểm tra nhãn của thuốc trị cảm hay dị ứng để xem có chứa một loại thuốc thông mũi hay không. Nếu bạn có tăng huyết áp, tốt nhất nên tránh dùng các thuốc này.
Corticosteroid là loại thuốc chống viêm thường được kê toa để điều trị viêm khớp, bệnh hen suyễn và các bệnh mạn tính khác, nhưng có thể làm tăng huyết áp do nhiều cơ chế khác nhau. Ví dụ như prednisone, methylprednisolone, dexamethasone và cortisone. Nếu bạn đang mắc bệnh tăng huyết áp, xem xét sử dụng một thuốc chống viêm khác thay thế. Nếu nhất thiết phải dùng các thuốc corticosteroid, cần kiểm tra huyết áp hàng ngày để điều chỉnh huyết áp thích hợp.
Thuốc đau nửa đầu
Những loại thuốc này giúp giảm đau của chứng đau nửa đầu, nhưng chúng có thể gây ra co thắt các mạch máu dẫn đến tăng huyết áp. Ví dụ như zolmitriptan, isometheptene, ergotamine... Nếu bạn đang mắc bệnh tăng huyết áp, xem xét sử dụng một thuốc giảm đau khác thay thế. Nếu đang dùng các thuốc điều trị đau nửa đầu nêu trên, cần kiểm tra huyết áp hàng ngày để điều chỉnh huyết áp thích hợp.
Thuốc ức chế miễn dịch
Một số thuốc ức chế miễn dịch có thể làm tăng huyết áp, có thể vì tác dụng ức chế miễn dịch ảnh hưởng đến chức năng thận. Các thuốc ức chế miễn dịch có thể làm tăng huyết áp bao gồm: cyclosporine, tacrolimus. Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp tăng hoặc không được kiểm soát tốt, hãy trao đổi bác sĩ về lựa chọn thay thế cho các loại thuốc này. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống và dùng các thuốc để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
Caffeine
Tiêu thụ 200-300mg caffeine có thể tạm thời gây ra tăng huyết áp. Caffeine có thể tạm thời làm tăng huyết áp bằng cách ngăn chặn một loại hormone giúp các mạch máu giãn ra, cho phép máu dễ dàng lưu thông. Ngoài ra, caffeine có thể làm sản xuất nhiều cortisol và adrenaline, do đó làm tăng huyết áp. Tuy nhiên chưa có đủ bằng chứng để chứng minh rằng caffeine làm tăng huyết áp lâu dài. Để xem caffeine có làm tăng huyết áp của bạn, kiểm tra huyết áp của bạn khoảng 30 phút sau khi uống một tách cà phê hoặc một thức uống chứa caffeine. Nếu huyết áp tăng lên 5 - 10 mmHg, bạn có thể có cơ địa nhạy cảm với caffeine.
Bổ sung thảo dược
Trao đổi với bác sĩ về bất kỳ bổ sung thảo dược đã dùng hay đang muốn dùng để xem nếu bổ sung có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với các thuốc huyết áp. Ví dụ về các bổ sung thảo dược có thể ảnh hưởng đến huyết áp hoặc thuốc huyết áp bao gồm: Kim sa (Arnica montana), cam đắng (Citrus aurantium), ma hoàng (ma-huang), ginkgo (Ginkgo Biloba), nhân sâm (Panax quinquefolius và Panax ginseng), cam thảo (Glycyrrhiza glabra).
Nguồn SKĐS
Xem thêm

Bệnh Ung Thư Khiến 17.000 Người Việt Chết Mỗi Năm

Những Dấu Hiệu Ban Đầu Của Đột Quỵ Bạn Cần Nhớ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét